Australia cho phép nhập khẩu trái thanh long của Việt Nam

(VEN) – Rau quả vẫn đang chứng minh vị thế là một trong những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu (XK) rất cao trong những tháng vừa qua. Tuy nhiên, XK mặt hàng này vẫn tiềm ẩn nhiều dấu hiệu chưa bền vững khi kim ngạch nhập khẩu rau quả cũng ở mức rất cao

Xuất, nhập đều tăng

Theo Bộ Công Thương, trong 7 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả đã đạt 2 tỷ USD, tăng 48,9% so với cùng kỳ năm 2016. Trong tổng giá trị xuất khẩu rau quả hiện nay, chiếm phần lớn là trái cây. Trung Quốc đứng đầu trong số 23 thị trường xuất khẩu chủ yếu của rau quả của Việt Nam, tiếp sau là Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc. Riêng 4 thị trường này đã chiếm 84% tổng giá trị xuất khẩu rau quả.

Về các mặt hàng, thanh long và nhãn là hai loại trái cây đạt kim ngạch cao do có quy trình trồng tốt, trồng tập trung với số lượng lớn, trồng rải vụ nên có sản phẩm quanh năm. Bên cạnh đó, hai loại trái cây này có quy trình thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch, quy trình đóng gói, vận tải chuyên nghiệp nên đạt chất lượng xuất khẩu tốt. Mới đây, Australia đã chính thức công bố cho phép nhập khẩu trái thanh long của Việt Nam, tiếp sau trái vải và xoài. Như vậy, thời điểm hiện tại, Việt Nam là nước đầu tiên và duy nhất được cấp phép nhập khẩu thanh long tươi vào Australia.

Australia cho phép nhập khẩu trái thanh long của Việt Nam

Nhìn chung, các loại trái cây XK của Việt Nam đều có sự cải thiện nhất định về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa gặp phải sự than phiền từ các thị trường XK, kể cả thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Chile.… Những loại trái cây Việt Nam XK sang các thị trường này đều đáp ứng tiêu chuẩn sạch dịch hại, an toàn, đồng nhất, chất lượng, có hàng quanh năm cho thị trường.

Tuy vậy, ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu rau quả cũng rất cao. Trong tháng 7, kim ngạch nhập khẩu rau quả đã đạt 216 triệu USD, đưa giá trị nhập khẩu rau quả 7 tháng của năm 2017 đạt 852 triệu USD, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2016. Chỉ riêng mặt hàng quả nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm đã đạt mức 659 triệu USD, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2016. Thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất hiện nay là Thái Lan, chiếm 57% kim ngạch nhập khẩu, tiếp đến là Trung Quốc (16,8%), Ấn Độ, Hàn Quốc….

Kim ngạch nhập khẩu rau quả tăng đột biến

Bộ Công Thương lý giải, nguyên nhân khiến nhập khẩu rau quả tăng cao là do việc giảm thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) và đơn giản hóa thủ tục nhập khẩu hàng hóa nói chung và trái cây nói riêng làm gia tăng các đầu mối nhập khẩu rau quả. Cụ thể, thuế nhập khẩu theo cam kết của Việt Nam tại các FTA như Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Australia (AANZFTA), Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN – Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA)… đều là 0% cho các loại trái cây; chỉ cần giấy kiểm dịch thực vật cho lô hàng nhập khẩu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ngoài ra, việc doanh nghiệp Việt Nam tăng cường nhập khẩu trái cây từ Thái Lan để xuất sang các nước, đặc biệt là nhãn và sầu riêng, đã làm gia tăng kim ngạch nhập khẩu rau quả từ thị trường này. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm 2017, XK hai loại quả này tăng rất cao, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ.

Tìm hướng đi bền vững cho ngành rau quả

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, XK nông sản nói chung và ngành rau quả nói riêng đang đứng trước nhiều cơ hội lớn. Cụ thể, với việc ký kết, thực thi và đang đàm phán tổng cộng 16 FTA với trên 50 quốc gia và nền kinh tế trên thế giới, thị trường tiêu thụ các sản phẩm rau quả của Việt Nam đang có cơ hội mở rộng. Thêm vào đó, giá nông sản có xu hướng tăng do nhu cầu thị trường thế giới tăng cao. Ngoài ra, trong những tháng cuối năm, thị trường thế giới thường có nhu cầu nhập khẩu trái cây nhiệt đới cao hơn so với đầu năm để đáp ứng nhu cầu tăng cao trong các dịp lễ hội lớn như Giáng sinh, năm mới…. Do đó, trong năm nay, XK rau quả được dự báo sẽ vượt mốc 3 tỷ USD.

Cơ hội là vậy, nhưng tận dụng cơ hội được đến đâu thì vẫn chưa thể hoàn toàn chắc chắn. Bởi sức cạnh tranh của trái cây Việt Nam trên thị trường thế giới còn khá yếu. Đơn cử, dù trái vải đã được cấp phép nhập khẩu vào Australia mấy năm nay nhưng lượng còn thấp. Vụ vải 2017 vừa qua, có một số lô hàng bị trả về do công nghệ bảo quản chưa đảm bảo khiến quả bị thối, doanh nghiệp thiệt hại nhiều.

Tháo gỡ khó khăn cho mặt hàng rau quả, Bộ Công Thương đang tích cực làm việc với các cơ quan liên quan của các nước nhập khẩu để đẩy nhanh tốc độ xem xét các Báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại và quy định kiểm dịch thực vật (PRA), cấp phép nhập khẩu chính thức cho một số nông sản, thủy sản của Việt Nam vào các thị trường trong năm 2017. Bộ Công Thương cũng tăng cường công tác thông tin thị trường; tiếp tục tổ chức tuyên truyền rộng rãi về ưu đãi FTA; hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại, các hàng rào về tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng của nước nhập khẩu.

Về nhập khẩu, dù nhiều ý kiến cho rằng chưa ảnh hưởng nhiều đến trái cây trong nước do ta vẫn xuất siêu trái cây, nhưng mức độ tăng trưởng đột biến trong thời gian vừa qua cũng đã dấy lên những lo ngại về việc một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam đã mất lòng tin với trái cây Việt Nam. Theo các chuyên gia, việc cấp bách hiện nay là phải liên kết xây dựng chuỗi giá trị ngành nông nghiệp, từ khâu trồng trọt đến sơ chế, chế biến… để nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm ở thị trường trong nước. Làm tốt điều này, trái cây Việt Nam không chỉ giữ vững được thị trường nội địa mà còn có thể xâm nhập và mở rộng thị phần tại nhiều thị trường trên thế giới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0917.454.046 - 0947.993.113
zalo-icon
zalo-icon
GỌI TƯ VẤN